51 HCV mà Trung Quốc giành được là kỷ lục Olympic, chỉ sau 55 HCV mà
đoàn Liên Xô đã giành được tại Seoul 1988. Trong số này, các VĐV Trung
Quốc đã đăng quang ở 25/38 môn và lần đầu giành HCV ở những môn như
thuyền buồm, bóng chuyền bãi biển hay quyền anh…
Không tính Olympic Berlin 1936 khi chủ nhà Đức giành ngôi nhất toàn
đoàn thì đây là lần đầu tiên có một quốc gia khác ngoài Liên Xô hoặc Mỹ
giành ngôi nhất toàn đoàn.
[center]Đội nam TDDC Trung Quốc giành HCV
[/center]
Với Mỹ, đây là lần đầu tiên từ Barcelona 1992, họ mất ngôi số 1.
Nhưng với 110 huy chương, Mỹ đã phá kỷ lục của chính mình khi hơn kỷ
lục cũ ở Barcelona 1992 hai tấm. Mỹ đã sa sút rõ rệt trong các môn thế
mạnh như quyền anh (duy nhất 1 HCĐ), điền kinh thua Jamaica ở các cự ly
chạy ngắn… nhưng lại tỏa sáng ở các môn như bơi, đặc biệt là 8 HCV của
siêu kình ngư Michael Phelps.
Còn Anh đã có sự tiến bộ rõ rệt khi giành hạng 4 với 19 HCV. Nước
chủ nhà Olympic 2012 đã cho thấy tham vọng của mình 4 năm tới. Nga cũng
kịp bứt phá ở những ngày cuối để vẫn có mặt trong Top 3 với 23 HCV và
tổng cộng 72 huy chương, nhưng vẫn kém xa thành tích 27 HCV và tổng 92
huy chương ở Athens 2004.
Với tổng số 87 quốc gia giành được huy chương, Olympic 2008 đã vượt
qua kỷ lục cũ 80 nước ở Sydney 2000 và có đến 12 quốc gia lần đầu giành
HCV hoặc huy chương trong lịch sử Olympic.
Người ta cũng nhắc nhiều đến các quốc gia có dân số đông nhưng không
giành được huy chương nào như Pakistan, Philippines và Bangladesh. Hay
như châu Phi, khu vực luôn chìm trong đói nghèo và bất ổn chính trị
cũng giành tổng cộng 40 huy chương, nhiều nhất từ trước đến nay. Trong
đó có những huy chương đầu tiên của Togo (canoeing), Mauritius (quyền
anh), Sudan (điền kinh). Người ta còn nhắc nhiều đến những huy chương
đầu tiên trong lịch sử của những quốc gia như Tajikstan, Bahrain
(Rachid Ramzi, chạy 1.500m nam), Afghanistan, Panama hay Mông Cổ...
Trong số 958 huy chương được trao, đã có 43 kỷ lục thế giới và 132
kỷ lục Olympic mới được xác lập. Và việc Trung Quốc giành ngôi nhất
toàn đoàn cũng dễ hiểu khi quốc gia này đã đầu tư tới hơn 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận hiệu ứng chủ nhà khi trước đây đã có
những tiền lệ như Nhật Bản cũng đã cải thiện số HCV từ con số 4 của kỳ
đại hội trước lên thành 16 tấm tại Olympic 1964 hay ở Barcelona 1992,
Tây Ban Nha giành tới 13 HCV trong khi kỳ trước đó chỉ có được 1;
Olympic Moscow 1980 và Los Angeles 1984 thì lần lượt giúp Liên Xô và Mỹ
có thêm từ 30 đến 40 HCV...