Đành rằng lá thăm run rủi đã nhốt “những con hổ chung một chuồng”, nhưng bạn có nghĩ là cả nhà ĐKVĐ lẫn ĐK Á quân thế giới sẽ phải nuôi hy vọng mong manh kẻ đã đánh bại họ sẽ sống mái với đối thủ còn lại ở lượt trận cuối cùng, để trận đấu giữa họ sẽ còn ý nghĩa?
Oái oăm là chẳng lý gì mà Hà Lan sẽ tạo “lốc” để cuốn phăng Romania, như đã từng làm trước Italia lẫn Pháp. Đã chắc ngôi đầu bảng, lý gì họ phải tung cả những cầu thủ đã bị một thẻ vàng vào sân, lý gì họ phải cho những trụ cột bung hết sức (ngộ nhỡ dính chấn thương, cạn kiệt sức lực thì sao?) cho một trận đấu vô bổ?!
Nếu là Marco van Basten, bạn có mạo hiểm tung nguyên đội hình chính vào sân mà quyết đấu với Romania không? Nếu là Marco, bạn có nhân danh sự nghĩa hiệp mà quyết đấu đến cùng không? Hẳn là không rồi, vì người chèo lái con thuyền đang thênh thang ở vùng biển lặng, không dại gì mà dốc sức cho những tay chèo xuất sắc nhất gồng mình chạy đua với… chính mình cả!
HLV van Basten liệu có bố trí đội hình mạnh nhất?
Tôi cũng sẽ như vậy, vì những mục tiêu ở phía trước, Hà Lan đang cần sức lực, trí tuệ của cả một tập thể, đặc biệt là những trụ cột, nó thiết thực và ý nghĩa hơn. Với lại ngay ở vòng loại trên chính sân nhà, Hà Lan cũng có thắng được Romania đâu (hòa 0-0, thua 0-1 trên sân khách).
Đành là HLV Marco van Basten cùng các học trò vẫn khẳng định việc giành tuyệt đối 9 điểm ở vòng bảng thật là tuyệt vời; nhưng đấy chỉ là suy nghĩ của những cầu thủ dự bị, của HLV trong những lời xã giao mà thôi!
Thế nên, hà cớ gì mà Hà Lan phải quyết đấu?! Cứ nhìn cái cách mà Bồ Đào Nha, Croatia tung đội hình B, cất những trụ cột, những cầu thủ đã bị một thẻ vàng cho trận cuối cùng thủ tục thì rõ.
Hà Lan sẽ không “buông” trắng trợn, nhưng dại gì mà họ phải bung hết sức, tung hết những con người ưu tú ra mà quyết đấu.
Hà Lan nổi tiếng với các loại “cối xay gió” dùng để biến năng lượng gió thành các dạng hữu dụng hơn, ví như để xay bột, để bơm nước, để phát điện… Nhưng đấy là hiện thực. Liệu trong tình cảnh chẳng làm gì để hữu dụng cho mình, có chàng Don Kihote nào lại tốn công sức đi "đánh cối xay gió" không? E là khó.
Và khi mà Hà Lan buông Romania, họ vẫn chắc ngôi đầu bảng, lại không phải gặp lại đội cùng bảng (được xem là mạnh hơn, hoặc Pháp, hoặc Italia, nếu như trận đấu có thắng thua) ở bán kết, như UEFA đã phân nhánh; lý gì mà quyết đấu?
Và khi ấy, cả ĐKVĐ lẫn ĐK Á quân thế giới sẽ nói lời giã biệt cuộc đua từ rất sớm, thẹn thùng nhưng đáng!